Header Ads

Hướng dẫn nhân giống tép Amano (Yamato)

Hướng dẫn nhân giống tép Amano (Yamato)


Chuẩn Bị

Chúng ta chọn một bể 54l có nắp đậy, trong có một bóng đèn 15w mở từ 11-23h. Kê trong buồng tắm, góc nhà hoặc bất cứ chỗ nào không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Không dán đề can, không dùng sưởi, nhiệt độ trung bình khoảng 22°C. Một nửa lượng nước lấy từ bể TS cũ, một nửa từ nước máy. Như hình dưới đây ta thấy bể này được chia làm hai để thử nhiều cách trong cùng một điều kiện. Nên chọn bể càng lớn môi trường càng ổn định. Khi một nàng tép Amano cỡ lớn sinh sản thì bể 27l là quá nhỏ. Trong bể có từ một đến hai cây nhựa và một mảnh chậu hoa đất nung để "nàng" có chỗ bám và ẩn nấp. Sau đó đưa ống thổi khí xuống lưng chừng bể và mở sao cho còn kịp đếm bọt thổi ra. Để bể chạy không từ 2-3 tuần. Sau thời gian này thường phải có ít rêu xanh, rêu nâu bám trên thành bể

Bây giờ thay nước 1/3, chọn một nàng vừa đang ôm trứng(nhận biết ở mầu tối của trứng) thả vào bể. Rồi tiếp tục cà phê cà pháo trong khi chờ đợi ;), do thường lệ kéo dài từ 4-5 tuần đến khi ấu trùng chui từ trứng ra. Nếu kéo dài hơn, ấu trùng sẽ phát triển không bình thường và khả năng nuôi được rất nhỏ. Trong thời gian này chỉ cho ăn ba cục thức ăn Granulat nhỏ mỗi 3-4 ngày, thay nước 1/3 mỗi tuần.

Tép Đẻ

Những cô cậu tí hon chui ra (thường xẩy ra vào ban đêm). Như những chấm nhỏ bơi lội tung tăng khắp bể. Bây giờ cứ bình tĩnh, ấu trùng tép Amano có thể sống tới 5 ngày trong nước ngọt. Đâu đó trong bể còn lại vỏ lột của Mama, đưa ra khỏi bể cùng với nàng, cùng cái cây giả và mảnh chậu hoa. Trên thành bể đã hình thành lớp rêu rất dầy

Bây giờ đến phương pháp vô cùng "bạo lực"...Chúng ta đổ thẳng muối biển vào bể, cẩn thận ngoáy đều, nước đục như sữa. Sau vài phút muối tan hết, ta tưởng lũ tép con không còn con nào sống nổi nhưng không, khi tất cả trở lại bình yên, ta thấy chúng khỏe mạnh tập trung vùng giữa bể bơi lội ngược giòng nước chẩy nhẹ. Nước được pha với nồng độ khoảng 25g/l. Hy vọng tất cả sẽ tốt đẹp....

- Mỗi ngày cho một ít Spirulina nghiền nhỏ làm thức ăn cho chúng. Tốt nhất ta dùng Spirulina khô nghiền nhỏ ra thành bột....

- Sau 44 ngày, ta pha nước cũ với nước bể TS 50/50. Một giờ sau vớt toàn bộ qua bể TS nước ngọt.

Kinh nghiệm

(1) Với bể nhỏ 5-10l chúng tôi có thử qua vài lần nhưng không có kết quả.

(2) Các loại đèn ống khác nhau không đưa lại kết quả tốt hơn, hoặc xấu hơn. Các loại đèn được thử gồm Flora Glow, Dennerle Amazon Day, Marine Glow, Sun Glow và Sylvania Aquastar.

(3) Chúng tôi thử ba lần với bể kê cạnh cửa sổ, ca ba lần đều thất bại. Tất nhiên chỉ ba lần là con số chưa được thuyết phục lắm. Rêu phát triển nhanh khủng khiếp nên những lần sau đều thử trong điều kiện không có ánh sáng mặt trời.

(4) Thử với nước lọc (qua dàn Omose) cũng không có kết quả khá hơn. Nhưng ai không có nguồn nước máy tốt thì nên dùng nước lọc. Những cuộc thử khác với 100% nước máy hoặc 100% nước bể TS cũng không ghi nhận khác biệt gì xẩy ra.

(5) Với thời gian chiếu sáng ít, chúng tôi không đạt được mức phát triển của rêu như mong muốn đến khi trứng nở. Khi chiếu sáng 24/24, thường bị tảo xanh đơn bào lơ lửng trong nước (Phytoplankton) nhiều đến nổi không nhìn xuyên được vài cm. Trong điều kiện như vậy chúng tôi cũng chưa bao giờ có được tép con.

(6)Thời gian đầu, chúng tôi thường dùng que sưởi, bể đạt nhiệt độ 25°C. Đến lúc nào đó chúng tôi bỏ sưởi ra, nhiệt độ có khi chỉ còn 20°C, kết quả vẫn tốt.

(7) Với thổi khí qua đá mịn cho kết quả không tốt, và hoàn toàn không có dòng nước lưu chuyển cũng không khá hơn chút nào.

(8) Chúng tôi sử dụng muối cho bể TS nước mặn. Với muối ăn bình thường chưa đạt kết quả bao giờ.

(9) Nhiều lần thử với độ mặn tăng từ từ, hay pha trước trong xô và thổi khí 24 tiếng trước khi đưa vào cũng không cho kết quả khá hơn.

(10) Thử với độ mặn chính thức của nước biển 34g/l và độ mặn nước lợ 17g/l đều có kết quả. Cuối cùng chúng tôi chọn khoảng giữa.

(11) Nhiều lần thử với thức ăn bằng bột nổi, thức ăn khô của cá nghiền nhỏ, Phytoplankton, vi sinh..v.v. Nhưng cho kết quả tốt nhất vẫn là Spirulina và Liquizell.

(12) Chúng tôi thành công nhiều lần với bể không thay nước. Ai thay nước thường xuyên hàng ngày sẽ hại nhiều hơn lợi.

(13) Nước bể đục mầu xanh do tảo đơn bào, loại thức ăn tốt nhất cho ấu trùng. Nhưng cần chú ý điều chỉnh ánh sáng, vì nếu tảo quá nhiều lũ tép sẽ không chịu nổi "nồi xúp" này.

Nguồn: Aquabird.vn

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.